KHÔNG HẸN MÀ ĐẾN, KHÔNG CHỜ MÀ ĐI Mấy nay nhìn hình ảnh chia sẻ sắc trời vào thu ở phương trời xa từ một người quen, mình chợt nhớ đến những câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Không hẹn mà đến, không chờ mà đi, bốn mùa thay lá thay hoa, thay mãi đời ta". Đôi chút phong vị lãng mạn mà bỗng chạm đến những suy tư dạo gần đây về cách sống thong thả với đời, không mong chờ cũng chẳng chối bỏ. Không biết có phải vì đời này có nhiều bài học khó hay không, mà hễ điều gì người ta thường tìm cầu thì sẽ thấy nó lâu đến hơn, thậm chí là không đến. Hoặc có đến rồi cũng trôi qua rất nhanh. Còn điều khó chịu muốn xua đi, lạ lùng lại càng ở lâu và tái hiện hoài trong những hình thức khác nhau. Chắc bởi lòng mỗi người thường dễ lưu tâm những gì không vui, không như ý hơn là những gì bình thản, an vui. Chứ đất trời này chẳng vì riêng một ai mà đổ mưa hửng nắng, tất cả đều thuận theo duyên mà đến đi, sinh diệt. Nó luôn khớp với sự hội tụ và tan rã của các thành tố cấu tạo. Và dần thay thế liên tục bởi những thành tố tương tự nếu còn đủ điều kiện hình thành. Nhìn trong vạn vật, một hạt sương, hạt mưa, tia nắng, một hiện tượng, tâm trạng... thật ra cũng chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc. Cái chúng ta thấy cố định, nghĩ chẳng có gì thay đổi là do những hình thái cùng bản chất luân phiên tái tạo, chứ chẳng có gì mãi duy trì như cái thấy ban đầu. Mỗi người cũng thế, một hơi thở vào, một hơi thở ra đã trở thành một con người mới, khác hẳn với con người một giây trước đây từng có mặt. Chỉ là, sự biến chuyển đó quá vi tế rất khó để cảm quan thông thường nhận ra được. Vậy mà các bậc tu hành ngày xưa bằng trí huệ đã quan sát thấy. Ngày nay với khoa học phát triển, các nhà nghiên cứu cho biết, ở quy mô tế bào, cơ thể luôn hoạt động liên tục, tế bào mới thay thế tế bào đã chết để chúng ta không bị vỡ vụn theo đúng nghĩa đen. Trung bình mỗi giây có đến hơn 3,8 triệu tế bào mới được tạo ra. Tiếp cận một chút kiến thức thường thức như vậy, để quay trở lại với những cảm thức cá nhân. Ngẫm rằng, dù có danh phận, giàu nghèo, trình độ, mạnh yếu, cảm xúc thế nào, thuận lợi, nghịch cảnh ra sao, khổ sầu, vui sướng cỡ nào thì cũng chỉ "dính" với thực tại trong một chớp nháy thời gian ngắn ngủi. Ấy vậy mà tâm tình con người thường có xu hướng muốn kéo dài hoặc thu ngắn lại theo ý muốn. Nhọc lòng, nặng tâm là vì không "đồng hội, đồng thuyền" với dòng chảy tiếp nối. Một chiếc lá đáng lẽ đã trôi ra tận biển, vậy mà cứ thích nhặt lên rồi thả đi thả lại đúng ngay một đoạn sông. Một nỗi niềm theo thời gian rồi cũng sẽ qua, nhưng có người giữ chặt mãi ngày này qua tháng nọ. Những hành động "trật nhịp" cực nhỏ như vậy nhưng kéo theo rất nhiều sự "trật nhịp" khác tác động rất lớn đến đời sống. Nó như một sự thoả hiệp ngầm để cuốn vào những đau khổ triền miên, phiền muộn nối tiếp muộn phiền. Cho nên phải ý thức nghiêm túc, dù một ý nghĩ ngắn ngủi nhưng nếu có sự kế thừa và tiếp nối sẽ để lại những ảnh hưởng lâu dài. Mỗi khoảnh khắc tưởng không đáng gì nhưng khởi lên được một ý niệm mạnh mẽ, đối diện với chính cảm xúc cá nhân sẽ là tiền đề giúp thoát dần ra khỏi "mớ bòng bong" rối nùi. Thậm chí nếu đủ lực thì ngay ý nghĩ vun bồi sự tích cực đó có thể chấm dứt lập tức một sự trì trệ nào đó trong nội tâm. Còn hễ cứ muốn trốn khổ trong khi thực tế đang có nhiều thử thách thì sẽ đánh mất đi rất nhiều khoảnh khắc, chất liệu làm xuất hiện những điều tuyệt diệu. Vì vậy, một người bản lĩnh trong đời sống tinh thần, nên là người có cái đầu biết khi nào cần lạnh thì lạnh, khi nào cần nóng thì nóng. Giữ vững tâm thế mọi thuận nghịch xảy đến đều là cơ hội để gieo nhân lành và thấu hiểu mạnh yếu nơi mình. Khác với người yếu đuối ở chỗ là thấy việc thuận thì ham thích, việc nghịch sẽ sinh tâm đối ngại, bất mãn. Chính điểm khác biệt đó sẽ đưa đến thái độ xử lý tình huống, sự việc khác nhau. Từ đó kéo theo sự chuyển hướng nhận thức đi lên hoặc thụt lùi. Trong sự nhìn nhận mọi thứ chuyển biến liên tục, có một giây thấy quý một giây, một phút, một giờ thấy quý ngần ấy thời gian. Thì huống chi một ngày còn quý đến cỡ nào. Nên đừng quá phí phạm tâm trạng cho những chuyện đã trôi qua lâu rồi, hay những gì còn xa tận chân trời. Như hai trong bốn quy tắc tâm linh của người Ấn Độ: "Những gì đã qua, hãy cho qua", "Chuyện gì đến nó sẽ đến". Hãy tạo nên giá trị của bản thân ngay trong chính giây phút này, trong ngày ta đang sống thật sự trọn vẹn. Thay vì cứ hoài niệm, trông đợi từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác sẽ chẳng mang đến ý nghĩa gì cả. Tận dụng chính thời gian có được tạo tác ra nhiều những điều kiện tốt lành để nối tiếp và rộng mở cuộc sống đời mình có chất liệu gần hơn với những thành quả tốt đẹp. Ví như anh nông dân sẽ chẳng bao giờ ngồi mãi để tưởng tượng thu hoạch mùa vụ này sẽ trúng lớn thế nào, hay mãi buồn bã vì sự thất bại ở vụ mùa trước. Ngay hiện tại, anh sẽ dựa trên kinh nghiệm sẵn có để chăm dưỡng khu vườn của mình. Mỗi người, dù có những lúc thơ thẩn "thả hồn" đi bao xa với nhớ thương, hoài niệm, hy vọng, mơ ước, vẽ vời cỡ nào thì cũng nhớ giải quyết cho xong những gì ở giây phút hiện tại. Hãy sống trí tuệ, thiện lương, trách nhiệm với cái gì gần gũi nhất bên cạnh lúc này. Sức khoẻ đang ra sao, tâm tính nóng rát, điều kiện sống thế nào, có những mối quan hệ, gặp gỡ với ai, khó khăn, suôn sẻ điều gì?... Phải nhận biết và kiểm soát được những thứ đó trong khả năng làm được mới có thể tiến bước xa hơn. Đó có thể xem là sống có chánh niệm. Còn đã không làm chủ được tâm mình với những điều ngay trước mặt thì coi như sẽ "chết mòn" trong những giây phút tiếp theo. Mình thấm thía lời dạy của một vị sư: "Một ngày làm chuyện muôn kiếp hơn muôn kiếp làm chuyện một ngày". Theo sự hiểu của mình là ngay trong những hoạt động thường ngày ăn uống ngủ nghỉ mà có sự tỉnh táo, sáng suốt sẽ cảm ngộ những giá trị hư ảo và chân thật mà hướng đến giải thoát. Hơn là sống như một "cái máy", ngày nào, kiếp nào cũng chỉ có ăn uống ngủ nghỉ lặp lại vô tận.Cũng như hãy cẩn trọng từng năng lượng tiêu cực, tích cực mang vào người thông qua việc đọc cái gì, xem thông tin gì, rèn luyện phương pháp nào, đặt tâm ở mục đích gì, gần gũi bạn bè, tiếp xúc với người như thế nào? Vì trong chúng ta đều có những hạt giống thiện ác. Chỉ cần đủ duyên thì hoặc sẽ thiện hơn, hoặc sẽ ác lên. Nên một lời nói, ý nghĩ, học hỏi điều hay, sự kết giao với người hiền người trí vẫn luôn rất cần thiết. Để không chỉ hàm dưỡng tinh thần lành mạnh, mà còn giúp cho sức sống của bản thân có dịp phát khởi những tiềm năng tốt đẹp. Là tâm biết khiêm nhường, sống lặng lẽ nhìn đời. Nhưng cũng chính tâm sáng trong đó có thể trở thành suối nguồn an lành lan toả tích cực đến cho người khác. Dù tương trợ thế nào, ai cũng sẽ trở về góc riêng tự mình phải giải quyết vấn đề, chẳng thể thay thế nhau mà nói chuyện ấm lạnh trong lòng. Chỉ mong tất cả tỉnh sáng, đưa tư duy đến cảnh giới bình an, nhận ra cuộc đời này vốn dĩ không hẹn mà đến, không chờ mà đi theo vô thường. _________ Tác giả: Lê Thị Hòa BìnhNHÀ TRỊ LIỆU TÂM LÝ - Lê Thị Hòa BìnhL/hệ: Việt Nam zalo 0908636266, Viber 6393174930Canada: 6393174930Email: trilieutamly2018@gmail.com💥💥Chuyên trị liệu tâm lý hôn nhân gia đình và các mối quan hệ, giải quyết các gút mắc và buồn phiền trong đời sống 💥💥Tư vấn giáo lý hôn nhân trước khi cưới💥💥Trị liệu tâm lý tinh thần💥💥Thời gian cho cuộc tư, vấn trị liệu khoảng 30 phút.💥💥 Chi phí mỗi lần 500.000đ❤❤❤❤P/s: vui lòng nhắn tin để đặt lịch tư vấn

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này